Hệ số FCR là gì?
FCR là nhóm chữ cái viết tắt từ tiếng anh (FCR: Feed Conversion Ratio, hoặc Feed Conversion Rate) có nghĩa là tỉ số hoặc tỉ lệ chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi heo. Có nơi người ta còn dùng từ FCE (Feed Conversion Efficiency) đểchỉ ra hiệu quả chuyển đổi thức ăn. Khái niệm về hệ số FCR (ta thường dùng từ hệ số) đối với người chăn nuôi heo trang trại, các công ty chăn nuôi đã trở nên quen thuộc, nhưng đối với một số người chăn nuôi mới vào nghề, thì đây vẫn còn là một khái niệm mới cần phải tìm hiểu để áp dụng trong trang trại chăn nuôi của mình.

Hệ số FCR thực chất được hiểu là người chăn nuôi cần tiêu tốn bao nhiêu kg thức ăn (ở đây chỉ đề cập đến thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc dạng bột được phối trộn theo công thức dinh dưỡng được tính theo nhu cầu của con heo) để con heo tăng trọng được 1 kg.
Như vậy, từ khái niệm trên thì mỗi người chăn nuôi đều có thể áp dụng để thực nghiệm ngay trên trại chăn nuôi của mình một cách dễ dàng, bằng cách chịu khó ghi chép đầy đủ lượng thức ăn đã chi phí cho bầy heo của mình, đối chiếu với số trọng lượng heo hơi bán ra thì sẽ biết được hệ số FCR bình quân của lứa heo nuôi đó là bao nhiêu, từ đó sẽ tính được giá thành chi phí đầu vào, so với đầu ra để biết lợi nhuận thu được. Hệ số FCR càng thấp thì lợi nhuận thu được càng cao.

Hệ số FCR biến đổi tăng và tỉ lệ thuận với tuổi và trọng lượng của heo. Trung bình hệ sốFCR của một số nước có nền chăn nuôi heo phát triển cũng như các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn ở Việt nam (áp dụng cho các heo lai giống ngoại nhập) thì hệ số FCR bình quân, được đưa ra dưới đây để bà con chăn nuôi tham khảo như sau:

Heo trọng lượng từ 06 kg – 20 kg có hệ số FCR trung bình: 1,35.
Heo trọng lượng từ 20 kg – 40 kg có hệ số FCR trung bình: 1,7.
Heo trọng lượng từ 40 kg – 70 kg có hệ số FCR trung bình: 2,1.
Heo trọng lượng từ 70 kg – 100 kg có hệ số FCR trung bình: 2,5.
Heo trọng lượng từ trên 100 kg có hệ số FCR trung bình:2,8


Thức ăn chiếm 65 - 70% chi phí giá thành trong chăn nuôi heo. Do vậy, người chăn nuôi cần nắm được những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển hóa thức ăn ở heo, từ đó có những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

[You must be registered and logged in to see this image.]


Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ số FCR:
1. Yếu tố con giống

Trong chăn nuôi heo công nghiệp, con giống là yếu tố rất quan trọng. Cần chọn lọc những đàn giống có thành tích sản xuất tốt như khỏe mạnh, chống bệnh tốt, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao, hiệu quả chuyển hóa thức ăn cao (FCR thấp). Heo lai giống ngoại (như heo Yorkshire, Landrace, Duroc, v.v…) thường có năng suất và hiệu quả chuyển hóa thức ăn cao hơn các giống heo nội địa (heo móng cái, heo cỏ, v.v...) vì có được những đặc tính tốt từ heo bố và heo mẹ.

2. Yếu tố môi trường
+ Do lớp mỡ dưới da dày, trên da không có tuyến mồ hôi (trừ phần da quanh mõm) nên heo không thể điều chỉnh thân nhiệt bằng cách tiết mồ hôi. Dù tăng nhịp thở nhưng thân nhiệt heo vẫn tăng cao. Đây là lý do khiến heo giảm ăn khi thời tiết nóng. Do vậy chuồng trại nuôi heo phải thoáng mát, đặc biệt vào mùa hè.
+ Heo 70kg, nếu nhiệt độ môi trường vượt quá 27,5oC thì mỗi một độ tăng thêm, lượng cám ăn vào sẽ giảm 140g/ngày, tăng trọng giảm 55g/ngày.
+ Trong thời gian nuôi con, heo mẹ ăn nhiều hơn và heo con lớn nhanh hơn nếu heo mẹ được phun mát. Điều này làm cho khối lượng cai sữa cao hơn, độ đồng đều cao hơn và điều kiện để phối giống lại cho heo mẹ tốt hơn và như vậy sẽ rút ngắn được những ngày heo nái không sản xuất.


3. Loại cám và chất lượng cám:

- Thức ăn dạng bột:Các loại bột như bắp, lúa, khoai mì nếu quá to sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn. Nghiền nhỏ thức ăn có tác dụng phá vỡ vách tế bào thực vật, tăng bề mặt tiếp xúc của các chất dinh dưỡng với enzyme tiêu hoá giúp tăng khả năng tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, nghiền nhỏ quá thì lại dễ gây loét niêm mạc dạ dày, tăng độ nhớt dịch ruột, từ đó làm giảm lượng thức ăn thu nhận và giảm tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng và tăng độ bụi trong trại.
-  Thức ăn dạng viên:Thức ăn dạng viên có nhiều ưu điểm. Khi ép viên nhờ cơ chế gia nhiệt nên có tác dụng sát khuẩn, sát trùng. Cám viên ít phát sinh bụi gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của heo. Theo một số tài liêu, cám viên cải thiện được chỉ số FCR 10% so với cám bột. Tuy nhiên, cám viên cũng có một số hạn chế như quá trình gia nhiệt để ép viên một số vitamin và khoáng chất có thể bị phá hủy.
-  Hàm lượng protein (chất đạm): là tổng số protein tiêu hóa được trong khẩu phần cám cho heo. Nhu cầu cần protein cho heo con cao hơn so với heo lớn. Protein cần thiết cho heo để cơ thể lớn lên, tăng trọng, giống như ta cần những viên gạch để xây nên ngôi nhà vậy.
Đối với heo con, để tăng được hiệu quả sử dụng thức ăn (tức là giảm FCR), ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng thì thức ăn cũng cần được chế biến tốt để các chất dinh dưỡng được tiêu hoá, hấp thu nhiều nhất. Lợn cai sữa sớm, hoạt tính enzyme tiêu hoá tinh bột (amylase, maltase) con thấp, lúc này các hạt giầu tinh bột cần được làm chín thì lợn con mới tiêu hoá hấp thu được.

4. Dịch bệnh:
- Dịch bệnh là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả chuyển hóa thức ăn của heo. Heo mắc bệnh, nhất là các bệnh gây còi ở heo sẽ làm heo tăng trọng ngày càng chậm, hiệu quả chuyển hóa thức ăn giảm, năng suất giảm sút. Những bệnh gây nên hậu quả heo còi tiêu biểu như các bệnh: bệnh còi heo con do virus (Porcine Circovirus type2 – PCV2),bệnh tai xanh (PRRS), bệnh viêm phổi do Mycoplasma, v.v…  Biện pháp đối phó với dịch bệnh là vệ sinh tiêu độc, làm khô chuồng trại, đảm bảo an toàn sinh học, tiêm phòng vác xin đầy đủ cho bầy heo.

5. Quản lý cho ăn và vệ sinh chuồng trại:
Đối với heo con, cần cho heo ăn nhiều lần trong ngày sẽ hạn chế được lượng thức ăn heo không sử dụng gây lãng phí thức ăn. Quá trình thay đổi loại cám nếu thực hiện gấp gáp sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của heo và ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sử dụng thức ăn. Cần vệ sinh chuồng trại tránh ô nhiễm khu vực chăn nuôi, tắm rửa sạch sẽ cho heo. Hiện nay một số trang trại dùng phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học cũng đang là một giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí chăn nuôi.

Ngọc Hữu – P. HCTH