Tác nhân gây bệnh “mòn vây, cụt đuôi” trên cá biển nuôi tại Việt Nam Small_1261799031.nv
Ảnh cá bệnh và tác nhân gây bệnh (Ảnh(1) (2) của Đồng Hà; (3) (4) của Đỗ Thị Hòa)
Bệnh “mòn vây cụt đuôi” là bệnh khá phổ biến trên cá biển nuôi . Tên bệnh được gọi theo dấu hiệu bệnh lý, cá bệnh thường có màu sắc cơ thể đen tối, vây bị mòn cụt, đặc biệt cơ đuôi thường bị hoại tử nặng để lộ rõ xương cột sống (ảnh 1 và 3).
Ở Khánh Hòa, có khoảng 30% hộ nuôi cá biển bị chịu tác hại của bệnh này. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều loài cá biển nuôi như cá mú, cá chẽm, cá hồng. Giai đoạn cá nhỏ (5-20cm), nuôi lồng thường chịu tác hại nặng hơn giai đoạn cá lớn. Tỷ lệ chết có thể đạt 50-100%, đây là bệnh không có mùa vụ rõ ràng (Đỗ Thị Hòa, 2008).

Tại Khánh Hòa tháng 7/2008 chúng tôi đã gặp bệnh này trên cá chẽm (Lates calcarifer) cỡ 5-6 cm nuôi tại bè của trường đại học Nha Trang – Vũng Ngán, bệnh lây lan rất nhanh và gây chết 100% cá trong vòng 1 tuần. Khi cá trong lồng bị bệnh chúng tôi còn quan sát được một số loài cá khác sống xung quanh lồng cũng có dấu hiệu cụt đuôi tương tự. (Ghi nhận của Đồng Hà).

Một loại vi khuẩn gram âm, hình que dài, cong mềm mại thường được quan sát thấy trên tiêu bản mô cơ đuôi của cá bệnh smear nhuộm gram (ảnh 2). Đây là một loại vi khuẩn khó tính, rất khó nuôi cấy bằng các loại môi trường tổng hợp thông thường. Môi trường Cytophaga agar pha bằng nước biển là môi trường thích hợp nhất để phân lập vi khuẩn này. Đỗ Thị Hòa và ctv, 2008 đã phân lập được một loại vi khuẩn là Flexibacter sp có đặc điểm sinh hóa tương tự Flexibacter maritimus từ cá bệnh. Tuy nhiên, vi khuẩn này lại mọc khá tốt trên môi trường Nutrient agar có bổ sung 2%NaCl, đây là đặc điểm khác chính giữa chủng vi khuẩn phân lập cá mú bị cụt đuôi tại Khánh Hòa với các chủng Flexibacter trong các tài liệu tham khảo khác.

Nhiều tài liệu cho rằng đây là một loại vi khuẩn có phương thức vận động rất đặc biệt gọi là “vận động trượt” (gliding bacteria). Nên khi mọc trên đĩa thạch khuẩn lạc thường lan rộng giống dạng dễ cây. Có thể quan sát sự vân động của vi khuẩn bằng cách đơn giản như sau: Cấy vi khuẩn thành đường thẳng lên trên một tấm lam vô trùng đã được tráng một lớp thạch CA mỏng, ủ 24h sau đó đạy lamen và quan sát trên kính hiển vi.

Để khẳng định tác nhân gây bệnh thí nghiệm gây nhiễm nhân tạo với vi khuẩn Flexibacter sp bằng các phương pháp khác nhau như: tiêm dưới da, cho vi khuẩn vào nước, hay đặt khúm vi khuẩn vào đuôi và miệng. Sau 10 ngày thí nghiệm tỷ lệ chết của cá ở các lô có thể đạt từ 15-60%, cá chết không thể hiện dấu hiệu cụt đuôi nhưng những đã thể hiện các dấu hiệu như mất nhớt, tạo thành các mảng trắng trên thân, vây xơ xác. Từ kết quả này nhóm nghiên cứu đã khẳng định Flexibacter sp là tác nhân gây bệnh mòn vây cụt đuôi trên cá biển nuôi. Ngoài Flexibacter sp, nhiều loại vi khuẩn khác như Vibrio spp, Pseudomonas spp cũng là tác nhân cơ hội của bệnh này. (Đỗ Thị Hòa và ctv, 2008).


Đồng Hà (Theo Tạp chí Khoa học - Công nghệ thủy sản)