Từ ngày 25 - 27/08/2010, tại Hague, Hà Lan đã diễn ra cuộc họp song phương giữa Việt Nam - Hà Lan. Một triển vọng mới cho xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam trong thời gian sắp tới được mở ra.

Thị trường lớn thứ 10 tại EU

Hà Lan nằm ở phía Tây Bắc của châu Âu, có biên giới với Bỉ, Đức và nhìn ra biển Bắc. Theo số liệu của Eurostat 2007 và FAO 2008, sức tiêu thụ (đã bao gồm nhu cầu công nghiệp) sản phẩm thủy hải sản tại Hà Lan là 246 nghìn tấn trong năm 2005. Điều này đã đưa Hà Lan trở thành thị trường lớn thứ 10 tại EU (chiếm 2,3% sản lượng toàn EU năm 2005). Dự kiến trong năm 2015, thị trường sẽ tăng chậm lên 259 nghìn tấn. Sức tiêu thụ trên đầu người là 15,1kg năm 2005, dưới mức trung bình của EU là 21,8 kg (FAO 2007). Sức tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản theo đầu người ở Hà Lan đứng ở mức thấp so với các nước EU khác. Tuy nhiên, tiêu thụ quy mô hộ gia đình ngày càng tăng và tăng nhiều về giá trị hơn là về khối lượng. Tính trung bình, các gia đình Hà Lan ăn các sản phẩm thủy hải sản một lần trong 2,9 tuần. Đối với những hộ dùng nhiều, ăn trung bình ba lần mỗi tháng. Thủy hải sản được ưa chuộng nhất đối với những người giàu có lớn tuổi, những gia đình có con cái giàu có và những gia đình không con. Những người lớn tuổi ăn nhiều thủy hải sản hơn những người trẻ (trên 50 tuổi chiếm gần 49% tổng tiêu thụ). Hiện nay, chiến dịch tiêu dùng thủy hải sản thúc đẩy tiêu dùng cho thế hệ trẻ đang được xúc tiến mạnh mẽ.

Hà Lan sắp “mở cửa” cho thủy sản Việt Nam Dcc_1210

Sản phẩm cá tại Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng

Nỗ lực “chinh phục” thị trường

Hà Lan có một hệ thống kinh tế mở và hoạt động tốt. Từ những năm 1980, Chính phủ đã rút lại các can thiệp về kinh tế của nhà nước. Công nghiệp hóa, công nghiệp thực phẩm, lọc dầu và sản xuất thiết bị điện là những lĩnh vực thống lĩnh trong sản xuất. Hà Lan có nền nông nghiệp phát triển, năng suất cao do có trình độ công nghệ hóa cao và hiện đại. Nền nông nghiệp Hà Lan tạo việc làm cho gần 4% người lao động và góp phần quan trọng trong xuất khẩu. Sau Mỹ và Pháp, Hà Lan là nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, các mặt hàng chủ yếu mà Hà Lan phải nhập khẩu là cà phê, ca cao, thủy hải sản, rau và hoa quả. Các sản phẩm dạng cá tươi hoặc đông lạnh được ưa chuộng nhất. Gần đây, các sản phẩm thủy hải sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra, basa chiếm 14% doanh số các sản phẩm thủy hải sản đông lạnh năm 2008 và nhanh chóng lớn mạnh trở thành mặt hàng cá tự nhiên đông lạnh được ưa chuộng, chỉ đứng thứ hai sau cá hồi (15%). Doanh thu của cá tra, basa Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng ba năm qua. Trong năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang 26/27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU), đứng đầu là 5 thị trường Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bỉ. Một trong những lý do chính để cá tra, basa được ưa thích trên thị trường nước này là do giá thành của chúng thấp hơn so với những loại cá truyền thống khác. Chúng không có một hương vị quá riêng biệt, khiến được nhiều người tiêu dùng chấp nhận và dễ dàng kết hợp với các thực phẩm khác. Các doanh nghiệp, các nhà khẩu Việt Nam muốn mở rộng cơ hội xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường Hà Lan nên cần chú ý đến chất lượng và giá thành. Đây là hai yếu tố góp phần tạo nên thành công ở tất cả các thị trường chứ không riêng gì thị trường Hà Lan.


>> Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia về nước cho lương thực và hệ sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, nuôi cá ngừ bền vững và tham gia các Hiệp định Thủy sản Quốc tế. Hà Lan cũng giúp Việt Nam tiến hành Nghiên cứu tổng thể đánh giá tác động tới môi trường của việc nuôi cá tra, cá basa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải toả những quan ngại trên thế giới về tác động của nuôi trồng thủy sản với môi trường ở khu vực này.


Hồng Thắm