Cùng với các ngành hàng chủ lực là tôm và cá tra, năm 2010 ngành hàng hải sản cũng đóng góp vai trò quan trọng trong XK thủy sản của cả nước, chiếm tỷ trọng hơn 18% về giá trị.
Năm 2010, Việt Nam đã XK trên 250.000 tấn hải sản, trị giá khoảng trên 900 triệu USD. Trong đó giá trị XK cá ngừ đạt 293 triệu USD chiếm 5,8% tổng giá trị XK thuỷ sản; nhuyễn thể 489 triệu USD chiếm 9,7%; giáp xác khác ngoài tôm khoảng 112 triệu USD, chiếm 2,2% và còn lại là các loại cá biển khác.

Cá ngừ: Năm 2010 được coi là năm thành công của XK cá ngừ Việt Nam vì cả khối lượng và giá trị XK cá ngừ sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng mạnh. XK cá ngừ của cả nước năm 2010 đạt khoảng 83.800 tấn, trị giá 293 triệu USD, tăng lần lượt 48,9% và 59,9% so với năm 2009. Trong đó XK cá ngừ nguyên liệu (mã HS 03) đạt khoảng 37.800 tấn, trị giá trên 175 triệu USD, chiếm gần 60% tổng giá trị XK cá ngừ; cá ngừ hộp (mã HS 16) đạt khoảng 46.000 tấn, trị giá 117,5 triệu USD, chiếm 40% còn lại. Nguyên nhân tăng trưởng chính là do giá XK trung bình cá ngừ cao, nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi một số nước trên thế giới đang đề xuất cắt giảm hạn ngạch khai thác đối với một số loài cá ngừ.

Năm 2010, cá ngừ được XK đi 91 thị trường với sự tham gia của 140 DN. Top 10 DN đứng đầu gồm YUEH CHYANG CO, Cty TNHH FOODTECH, Cty TNHH Toàn Thắng, Cty TNHH Tín Thịnh, HAVUCO, DNTN Hồng Ngọc, Cty TNHH TS Hải Long Nha Trang, HIGHLAND DRAGON, DNTN Thanh Sơn và BIDIFISCO, chiếm gần 64% tổng giá trị XK cá ngừ của cả nước. Top 10 thị trường NK lớn nhất gồm Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Italia, Đức, Bỉ, Iran, Tây Ban Nha, Hà Lan và Canađa, chiếm khoảng 79% tổng giá trị XK cá ngừ . XK sang hầu hết các thị trường chính đều tăng mạnh, từ 12 -130%, trừ thị trường Đức giảm 18% và Ixraen giảm gần 4%.

Nhuyễn thể: Năm 2010, XK nhuyễn thể của cả nước đạt 125.000 tấn, trị giá 489 triệu USD, chiếm 9,7% tổng giá trị XK thủy sản. Trong đó XK nhuyễn thể chưa chế biến (mã HS 03) đạt khoảng 100.000 tấn, trị giá khoảng 400 triệu USD, chiếm 82%, còn lại là XK nhuyễn thể chế biến (mã 16) đạt 25.000 tấn, trị giá khoảng 89 triệu USD. Có 442 DN tham gia XK nhuyễn thể đi 80 thị trường, tăng 7 thị trường so với năm 2009. Top 10 DN đứng đầu gồm HAVICO, HAI NAM CO., LTD, KISIMEX, Cty TNHH Thực phẩm Việt, AQUTEX BEN TRE, Cty TNHH Phú Quý, Cty TNHH TM TS Nguyễn Chi, Cty TNHH Minh Đăng, Cty TNHH Huy Nam và NGOC HA CO., LTD, chiếm tổng cộng 24,6% tổng giá trị XK nhuyễn thể.

Top 10 thị trường NK lớn nhất gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Tây Ban Nha, Thái Lan, Mỹ, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Trung Quốc và Bỉ, chiếm 83% tổng giá trị XK. Giá trị XK sang các thị trường chính đều tăng so với năm 2009, tăng mạnh nhất là Ixraen với 116%. Giá trị XK sang Trung Quốc giảm 8,6% và Ôxtrâylia giảm 27%.

Cua, ghẹ và giáp xác khác (trừ tôm): Đây là nhóm mặt hàng tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao. Khối lượng XK cả năm 2010 đạt 16.000 tấn, trị giá 112 triệu USD, chiếm 2,2% tổng giá trị XK thuỷ sản. Có 127 DN tham gia XK nhóm sản phẩm này sang 38 thị trường. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 52%, ước tính NK 5.300 tấn giáp xác từ VN, trị giá trên 59 triệu USD năm 2010, tăng hơn 4 lần so với năm 2009 về cả khối lượng và giá trị. Thị trường EU đứng thứ 2, chiếm tỷ trọng trên 16% với khoảng 2.330 tấn, trị giá 18,25 triệu USD, tăng gần 5 lần về khối lượng và gần 6 lần về giá trị so với năm 2009. Thị trường Pháp tăng trưởng mạnh nhất, 5.567%. Các thị trường khác trong top 10 cũng đạt mức tăng trưởng 3 con số, trừ Nhật Bản giảm 26%, Hàn Quốc giảm gần 30%, Trung Quốc và Hồng Kông giảm gần 16%.

Thuận lợi và khó khăn: XK hải sản năm 2010 tăng trưởng cao chủ yếu do nhu cầu NK của các thị trường tăng, giá trung bình XK tăng. Tuy nhiên, các DN XK hải sản cũng gặp không ít khó khăn về nguyên liệu, rào cản về thuế quan (XK cá ngừ sang thị trường Nhật vẫn bị áp thuế NK cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dẫn đến giảm sức cạnh tranh), rào cản về chất lượng (Nhật Bản và Ôxtrâylia tăng cường kiểm tra thuỷ sản NK từ Việt Nam). Bên cạnh đó, xu hướng ngày càng ưa chuộng thuỷ sản nuôi và thuỷ sản khai thác bền vững cũng phần nào tác động đến nhu cầu của các nước phát triển.

Dự báo: Những khó khăn trên sẽ tiếp tục là trở ngại đối với XK hải sản của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, XK hải sản vẫn có cơ hội tăng trưởng mạnh vì nhu cầu của thị trường thế giới vẫn cao trong khi một số nước đang bị cắt giảm sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, các DN XK sẽ ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính.
Dự báo XK cá ngừ của Việt Nam trong năm 2011 tiếp tục tăng và đạt giá trị khoảng 300 triệu USD, với các thị trường tiềm năng và ổn định là Mỹ, Nhật, Canađa, Libăng và Crôatia. XK nhuyễn thể sẽ tăng trưởng chậm hơn XK cá ngừ và tiếp tục gặp rào cản về chất lượng tại các thị trường NK, dự báo đạt khoảng 490 triệu USD, tương đương năm 2010. XK cua, ghẹ và giáp xác khác sẽ tiếp tục tăng mạnh vì sản lượng nuôi biển tăng, dự báo giá trị đạt khoảng 115 triệu USD, cùng với các loài cá biển khác sẽ đưa tổng giá trị XK hải sản lên trên 900 triệu USD.


vasep.com.vn