Nhật Bản vừa công bố quy định về mức phóng xạ cho phép đối với thuỷ sản sau khi kiểm tra thấy mức phóng xạ khá cao trong các mẫu cá tại tỉnh Fukushima. Nga hiện đã cấm NK thuỷ sản từ 242 nhà máy chế biến của Nhật, trong khi Ấn Độ, Anh, Trung Quốc, Xingapo và Hồng Kông mới chỉ cấm NK một số thực phẩm từ Nhật.

Sắp tới, các nước thành viên EU sẽ biểu quyết việc quy định nghiêm ngặt hơn các tiêu chuẩn về mức phóng xạ cho phép đối với thuỷ sản NK từ Nhật. Cục Thú y và Kiểm dịch động, thực vật Liêng bang Nga (VPSS) cho biết “Mức phóng xạ cho phép này được đưa ra dựa trên phân tích mức độ nguy hiểm và mối đe dọa từ phóng xạ sau vụ rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1.”

Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm NK thuỷ sản Nhật trong 3 tháng hoặc có thể hơn cho tới khi có thông tin chắc chắn rằng lượng phóng xạ trong thuỷ sản đã hạ xuống mức chấp nhận được. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, Cục Tiêu chuẩn và An toàn vệ sinh thực phẩm Ấn Độ sẽ tiến hành kiểm tra nguy cơ nhiễm xạ hàng tuần. Sau khi bị rò rỉ ra ngoài không khí, cho đến nay có thể phóng xạ đã ngấm vào mọi loại thực phẩm nên cần phải ngừng NK tất cả các mặt hàng thực phẩm từ Nhật.

Tuy nhiên, các chủ nhà hàng tại Ấn Độ mong muốn chính phủ tiến hành kiểm tra từng mặt hàng thay vì cấm NK tất cả. Một chủ nhà hàng tại Mumbai cho rằng chính phủ không nên cấm NK trên diện rộng mà nên căn cứ vào bằng chứng cụ thể thông qua kiểm tra chất phóng xạ đối với từng lô hàng NK và các lô hàng không bị nhiễm xạ có thể được phép vào Ấn Độ.

Chuỗi nhà hàng sushi tại Ấn Độ vẫn tiếp tục phục vụ món sushi, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, nhưng dự đoán giá sushi sẽ tăng cao do các nhà XK chào giá cao. Nhiều loại cá và thuỷ sản trong thực đơn nhà hàng phải NK từ các nước khác như Xcôtlen, Thái Lan và Mỹ.

Theo EU, các nước thành viên sẽ tiến hành thảo luận nhằm thống nhất việc siết chặt hơn các quy định về tiêu chuẩn mức phóng xạ cho phép đối với thuỷ sản Nhật. Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) coi đây là một biện pháp hoàn toàn mang tính phòng ngừa và tin rằng sửa lại quy định về mức phóng xạ an toàn đã áp dụng từ 25/3 là hợp lý và đó chỉ là biện pháp phòng ngừa thêm. Sở dĩ EC đưa ra đề nghị này bởi nếu mức phóng xạ an toàn cho phép được hạ xuống thấp hơn nữa, EC sẽ đồng ý áp dụng theo các tiêu chuẩn của Nhật.

vasep.com.vn