Hai ngày sau tuyên bố của Hội Luật gia, Hội Dầu khí cũng ra tuyên bố phản đối hành động sai trái của Trung Quốc đối với tàu Bình Minh 02 sáng 26/5 và yêu cầu không để tái diễn hành động tương tự. Hiện tàu Bình Minh đã ra khơi.

Theo TTXVN, Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối hành động sai trái của phía Trung Quốc đối với tàu Bình Minh 02. Việc doanh nghiệp dầu khí Việt Nam thực hiện khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mình là việc làm bình thường và đã được tiến hành từ những năm 1980 của thế kỷ XX, hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

"Hành động này cũng đã đi ngược lại cam kết của Trung Quốc tại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc", tuyên bố nhấn mạnh.
Tàu Bình Minh 02 đang neo đậu tại cảng Nha Trang, dự kiến sẽ tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ vào ngày 5/6 với 8 tàu bảo vệ.

[Biển Đảo] Yêu cầu Trung Quốc không tái diễn vụ tàu Bình Minh Binhminh02
Tàu Bình Minh 02 đã ra khơi tối 5/6 với 8 tàu bảo vệ. Ảnh: Mỹ Giang
.


Hội Dầu khí Việt Nam kêu gọi phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là nước thành viên; thực hiện nghiêm túc các cam kết nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; bồi thường những tổn thất mà các tàu hải giám của Trung Quốc gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngày 7/6 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về các sự kiện diễn ra trên biển Đông trong thời gian gần đây. Theo các đại biểu, tranh chấp trên biển Đông sẽ không thể giải quyết trong thời gian ngắn và cần kiên trì giải quyết bằng đối thoại và biện pháp hòa bình, trên cơ sở vì lợi ích của mỗi bên và luật pháp quốc tế.

Trước đó, sáng 26/5, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và gây căng thẳng cho biển Đông, đồng thời bác tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ hành động trong vùng chủ quyền của nước này.

Vụ tàu Bình Minh 02 tiếp tục được Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đưa ra trong bài phát biểu ngày 5/6 tại Hội nghị An ninh châu Á tổ chức ở Singapore.

Trong cuộc gặp bên lề hội nghị với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng nhấn mạnh: “Vụ việc tàu Bình Minh 02 đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại.”

Sau khi hoàn tất công tác bảo dưỡng và dịch vụ hậu cần, tối 5/6, tàu Bình Minh 02 đã rời cảng Nha Trang, tiếp tục ra khơi thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đội tàu bảo vệ Bình Minh 02 được tăng cường thêm 5 chiếc, lên con số 8.

theo Tạp chí Thủy Sản Việt Nam