Gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong do uống rượu giả có hàm lượng độc chất cao. Thực tế, rượu bia không chỉ tác động xấu đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần người uống.
Dân gian lâu nay dùng từ “say” để ám chỉ các thay đổi về mặt hành vi, cảm xúc, ngôn ngữ... do uống rượu bia. Mức độ thay đổi này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như nồng độ, lượng rượu bia, tình trạng dạ dày lúc uống, khả năng giải độc của gan...
Dễ bị hôn mê hoặc tử vong
Khi say, người uống rượu bia sẽ bị tác động đến tri giác và thần kinh, tùy thuộc nồng độ cồn trong máu. Với nồng độ 0,05%, người uống bị giảm sút suy nghĩ, phán xét và kiềm chế, thường nói nhiều, bị kích động nhẹ. Với mức 0,1%, người uống có các cử động vụng về, cầm nắm vật dụng không chính xác. Ở mức 0,2%, chức năng vùng vận động và kiểm soát hành vi cảm xúc của não bị ức chế nên người uống dễ xuất hiện các cơn bùng nổ giận dữ, gây hấn, đi đứng loạng choạng.
Với nồng độ 0,3%, người uống có thể lú lẫn hay sững sờ, không còn nhận thức rõ môi trường xung quanh. Nồng độ cồn trong máu đến mức 0,4%-0,5%, người uống sẽ bị hôn mê; nếu cao hơn nữa thì các trung tâm kiểm soát nhịp thở và nhịp tim ở não bị ảnh hưởng, người uống có thể tử vong do suy hô hấp.
Với người nghiện, rượu bia sẽ gây ảnh hưởng cấp tính như ngộ độc. Tình trạng này thường xuất hiện khi uống nhiều nên nồng độ rượu bia trong máu tăng cao, người nghiện nói nhiều, hung hăng hay ngược lại là im lìm, lúc vui lúc buồn, thỉnh thoảng cười hoặc khóc, cuối cùng là lơ mơ, hôn mê và chết. Còn ảnh hưởng mãn tính đối với người nghiện là hội chứng cai rượu bia, thường xuất hiện sau khi ngưng hay giảm uống rượu bia, với các triệu chứng như: toát mồ hôi, mạch nhanh, run tay nhiều, mất ngủ, buồn nôn hay nôn, ảo giác, kích động, lo âu, có thể xuất hiện co giật trong vòng từ vài giờ đến vài ngày.
Những triệu chứng tâm thần
Người uống rượu bia “có thâm niên” khoảng vài năm sẽ có dấu hiệu sa sút tâm thần với các biểu hiện như: giảm trí nhớ, không đọc được tên người hay đồ vật, không thể đọc hay viết, không nhớ công dụng của những vật dụng xung quanh, không nhớ tên đường, không thể làm việc nhà, thậm chí không tự vệ sinh cá nhân và ăn uống được. Nặng hơn là tình trạng loạn thần do rượu, thường gặp nhất là nghe ảo thanh (nghe một giọng nói tưởng tượng vang lên bên tai mà cứ tưởng là thật, với nội dung trách cứ hay đe dọa). Một số người nghiện rượu bia lại có hoang tưởng (ghen tuông, bị hại...).
Tình trạng rối loạn trầm cảm có thể xuất hiện trước hoặc sau thời điểm nghiện rượu bia. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như: buồn bã kéo dài, không ham thích gì cả, luôn cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy bản thân vô giá trị, thiếu tự tin, do dự không quyết đoán, khó ngủ, ăn kém, bi quan, thậm chí có ý nghĩ muốn chết.
Ở những người nghiện rượu bia còn xuất hiện rối loạn lo âu. Biểu hiện ban đầu là người nghiện cảm thấy lo lắng quá mức, kéo dài và thường xuyên về những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống. Có người nghiện rượu bia lại tỏ ra rất sợ hãi khi phải ra đường hay ở nhà một mình; lúc đi xe buýt, taxi, máy bay hay vào thang máy; khi gặp đám tang, hay phải tiếp xúc với ai đó hoặc phải phát biểu trước đám đông... Cũng có trường hợp người nghiện luôn cảm thấy lo âu nhưng không biết mình đang lo cụ thể điều gì. Họ biết rõ cảm giác lo lắng này là vô lý và quá mức nhưng không thể dẹp bỏ hay ngăn chặn. Kèm theo cảm giác lo âu là một số biểu hiện cơ thể và thần kinh thực vật, như: căng thẳng cơ bắp, đau cơ, nhức đầu, khó ngủ, dễ bực tức, bứt rứt, khó tập trung, dễ giật mình, khó nuốt, buồn nôn, toát mồ hôi, run...
Rối loạn giấc ngủ cũng là một trong các di chứng ở những người uống nhiều rượu bia. Nếu dùng rượu bia trước khi ngủ thì người uống đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, sau đó rượu bia lại có tác động xấu đối với giấc ngủ: người uống sẽ ngủ chập chờn, thức dậy nhiều lần và ngủ lại rất khó khăn. Nếu tiếp tục uống rượu bia lâu dài thì hiệu quả an thần sẽ giảm trong khi tác động gây xáo trộn giấc ngủ ngày càng tăng. Rối loạn giấc ngủ kiểu này thường gây ra mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày.