Dinh dưỡng
Dùng thực phẩm bảo vệ gan cần chú ý 2 điều: một là chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đáp ứng được mọi nhu cầu sinh lý của gan. Hai là vệ sinh, bảo quản thực phẩm để phòng ngừa vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào gan.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể cần 5 loại chủ yếu là protein, chất béo, chất đường, vitamin và các chất khoáng. Đđây cũng là 5 loại chất mà gan cần. Nhưng nếu chất béo quá nhiều sẽ dẫn đến chứng mỡ gan. Vì vậy nên cẩn thận khi lên thực đơn hằng ngày.
Những thực phẩm như sữa, trứng, cá, thịt nạc, chế phẩm từ đậu nên được sắp xếp sử dụng luân phiên để cung cấp đầy đủ protein cho gan. Tích cực ăn những thực phẩm có chứa đường gluco, đường mía, mật ong, nước hoa quả để tăng thêm “kho dự trữ” cho gan.
Không được “lạnh nhạt” với chất men giàu vitamin nhóm B.
Sơn tra có axit ursolic, có tác dụng “tiêu” mỡ máu, giúp phòng ngừa và giảm chứng xơ cứng động mạch. Nếu có Sơn Tra tươi thì có thể vắt nước uống hoặc nấu với thịt (không gia vị), vừa điều vị vừa giúp ích cho tiêu hoá.
Trà xanh thanh nhiệt giải độc, tiêu hoá thức ăn, giảm béo. Hoa cúc cân bằng gan, sáng mắt, hoa hồng giúp thanh lọc gan giảm trầm uất. Thường xuyên uống các loại trà này rất có ích cho việc bảo vệ gan.
Thường ăn hạnh nhân, hạt dẻ cười sẽ giúp thông gan lợi khí, giảm bớt lo lắng, mệt mỏi.
Nếu sắc mặt vàng, mất ngủ, can khí không tốt thì mỗi tuần nên ăn một lần gan động vật để bồi bổ gan.
“Kiêng kỵ” uống rượu và các đồ ăn cay, tanh; tránh thực phẩm khô cứng và rán bằng dầu mỡ.
Lựa chọn các thực phẩm sạch, không thuốc trừ sâu, bảo quản...; thực phẩm cháy đen hoặc thực phẩm biến chất như bánh chuyển màu, khoai tây mọc mầm;
Rửa rau quả dưới vòi nước chảy, ăn hoa quả phải gọt vỏ, hạn chế đồ hộp.
Nên uống nhiều nước, mỗi ngày chia ra uống từ 3 - 4 lần, mỗi lần uống một cốc lớn. Nước có thể làm tăng tuần hoàn máu, đẩy mạnh hoạt động của gan, có lợi cho việc trao đổi và bài trừ các chất cặn, đen lại hiệu quả tốt trong việc bảo vệ gan.
Giấc ngủ
Khi ngủ, cơ thể ở tư thế nằm nên gan càng có điều kiện “hưởng thụ” huyết dịch. Hơn nữa, cơ thể đang được nghỉ ngơi nên “gánh nặng” của gan được giảm tối đa. Vì vậy, một giấc ngủ sâu có tác dụng rõ rệt trong việc bảo vệ gan.
Ngược lại, nếu chất lượng giấc ngủ kém, hoặc có các “chướng ngại” như ngưng thở khi ngủ dễ làm tổn thương chức năng gan.
Chứng ngưng thở khi ngủ là do phần lưỡi, yết hầu hẹp, tắc nghẽn khí đạo gây ra tạm ngừng hô hấp khi ngủ. Bệnh nặng có thể khiến thời gian tạm ngừng hô hấp lên tới trên 1,5 phút. Nghiên cứu cho thấy, chức năng gan của 32% những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có bất thường. Mức độ tổn thương chức năng gan và tạm ngừng hô hấp là tương đương nhau và thủ phạm là do thiếu oxy và insulin. Vì vậy, giấc ngủ với nam giới rất quan trọng. Cần điều trị kịp thời các bệnh làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ngoài ra, không làm việc đầu óc vào buổi đêm cũng như thức quá khuya. Theo quan niệm Đông y, giờ Ngọ (từ 11h - 13h) và giờ Tử (từ 23h - 1h sáng) là đặc biệt quan trọng đối với giấc ngủ vì thời khắc này cũng là thời gian để tạo máu, lượng máu chảy về gan là nhiều nhất, có lợi cho việc khôi phục chức năng gan.
Vậy nên, tốt nhất là lên giường trước 10h tối, bảo đảm 11h chìm vào giấc ngủ ngon, tạo điều kiện tối đa để khôi phục các chức năng của gan.
Vận động
Tích cực luyện tập thể dục thể thao cũng là một cách bảo vệ gan có hiệu quả bởi vì vận động vừa có thể giảm trọng lượng, phòng béo phì, tiêu trừ mỡ gan, vừa có thể đẩy mạnh trao đổi khí, đẩy nhanh tuần hoàn máu, bảo đảm cho gan lấy được nhiều oxy và dưỡng chất nhất.
Chọn nơi rộng rãi, thoải mái, không khí trong lành để tập luyện. Sau đó là chọn môn thể thao thích hợp. Nên tập những môn thể thao vận động toàn thân ở mức vừa phải như: chạy bộ, bước nhanh (mỗi phút khoảng 110 - 120 bước), đi xe đạp, lên xuống cầu thang, leo núi, đánh cầu lông, nhảy dây, bơi, thái cực quyền, tennis.... Mỗi ngày tập 1 lần, mỗi lần khoảng 20 - 30 phút.
Tâm trạng
Cân bằng tâm trạng, hoá giải những bức xúc không tốt ở trong lòng, làm cho bản thân mình luôn ở trạng thái tốt nhất. Nếu tâm trạng “bực bội” sẽ làm cho hormon trong cơ thể bài tiết mất cân bằng, gây ra trở ngại cho tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho gan, làm cho tế bào suy giảm mà Đông y thường nói “lo lắng hại tỳ, giận dữ hại gan”.
Đông Y cho rằng, trong 7 trạng thái cảm xúc thì tức giận là có hại cho gan nhất. Tức giận có thể làm cho gan bài tiết thất thường, gây ra gan khí ngừng trệ, thời gian lâu dài sẽ “nhiễm” các bệnh về gan.
Điểm mấu chốt của dùng tâm trạng bảo vệ gan là học cách “khống chế” tức giận. Nếu có tức giận thì cũng không nên quá 3 phút, cố gắng hết sức để đạt được “tâm khí hoà hợp”, lạc quan, yêu đời, không phải lo lắng, từ đó làm cho gan mất “nóng” đi, gan khí bình thường hoạt động là cách bảo vệ sức khoẻ lâu dài nhất.
Chủ động nghỉ ngơi
Nam giới mỗi ngày cần chủ động nghỉ ngơi vào thời điểm nhất định, đây là cách dưỡng gan tốt nhất. Nghỉ ngơi giúp tiêu trừ độc tố, giảm sản sinh ra axit lactic, từ đó giảm nhẹ “gánh nặng” cho gan. Chú ý không nên để cho “sức tàn lực kiệt” mới chịu “bỏ rơi” công việc, đấy gọi là nghỉ ngơi bị động và sẽ dấn tới tăng tiết và tích tụ axit lactic, carbon dioxide, gây ra tổn thương cho gan.
Phòng chống “kẻ thù” không đội trời chung
Gan có không ít “kẻ thù”. Đầu tiên phải kể đến vi rút viêm gan. Đây là kẻ thù nguy hiểm nhất đối với sức khoẻ của gan bởi nó dẫn tới viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
Thứ hai là dược phẩm. 10% người mắc bệnh gan là do dược phẩm. Ở những người già thì tỉ lệ phát bệnh càng cao, trong số những người mắc bệnh viêm gan cấp tính trên 50 tuổi thì có 43% là do dược phẩm gây ra. Ví dụ như aspirin, sulphanilamide, penicillin, rifampin (RFP) là những loại thuốc thông dụng có hại cho gan.
Kể cả những loại thuốc xem ra khá an toàn như thực phẩm dinh dưỡng, thuốc bổ, nếu dùng sai hoặc lạm dụng thì đều làm tổn hại cho gan. Vì vậy không nên tuỳ tiện, đặc biệt là thuốc uống, hầu như 100% đều phải thông qua gan xử lý. Cho dù là thuốc dinh dưỡng hay là thuốc bổ thì cũng cần phải có sự hướng dẫn của bác sỹ.
Thứ 3 là rượu. Rượu là một phần tử rất đặc biệt, vừa có thể tan trong nước lại có thể tan trong dầu, mỗi khi vào trong cơ thể thì như “cá gặp nước”, chỗ nào cũng có mặt, trong co thể không có một nơi nào mà nó không thể đến được. Kẻ gặp “đen đủi” đầu tiên là gan. Bởi vì rượu vốn dĩ rất độc hại, đủ để thương tổn đến gan. Chứng mỡ gan là biểu hiện sớm nhất, chỉ cần uống “thoải mái” trong vòng mấy ngày là có nguy cơ hình thành nên bệnh này, cuối cùng gây ra xơ gan.
Nên hạn chế uống rượu và chỉ nên uống những loại rượu có nồng độ cồn thấp như rượu hoa quả, rượu vang. Những người đã mắc bệnh gan thì một giọt cũng không nên uống.
Ngoài ra, trong thuốc lá cũng có rất nhiều chất độc hại có thể làm giảm chức năng giải độc trong tế bào gan. Vì vậy bỏ thuốc là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ gan.